Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Phổ Hiền Bồ Tát

Phổ Hiền

Phẩm hai, kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ giới thiệu đại đa số người đến nghe pháp là các Chánh Sĩ, tức là các Bồ tát tại gia, tất cả các ngài đều tu theo hạnh Phổ Hiền Đại Sĩ. Trong kinh VLT này, lần đầu tiên, Phật giới thiệu pháp môn niệm danh hiệu Phật đến đại chúng gồm cả những người có tâm muốn tu tại gia. Chúng ta thử tìm hiểu hạnh nguyện Phổ Hiền quan trọng thế nào đối với người tu Tịnh độ.
Vào chùa ta thường thấy tượng Phật nào cũng có hai tượng Bồ Tát thượng thủ, dẫn đầu, phụ tá, bên tay phải, bên tay trái.  Phật Thích Ca có hai vị là văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Ngài Thích Ca hóa độ cõi Ta Bà, ngũ trược, ác thế này, hành giả cần phải có trí huệ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, và khả năng hành trì sâu rộng, phổ thông v.v…đức hành trì của ngài Phổ Hiền Bồ Tát. Ngài A Di Đà, giáo chủ cõi Cực Lạc, Cõi này tu hạnh Bồ Tát, tiếp độ chúng sanh khắp mười phương nên tâm hành giả cần Từ Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát và đại lực, đại thế chí của  Đại Thế Chí Bồ Tát. Tu theo pháp môn Tịnh độ, nguyện về cõi Phật A Di Đà thì phải hành trì hạnh của Đại Thế Chí Bồ Tát và hạnh của Quán Thế Âm Bồ Tát; thế mà vô số Chánh Sĩ (Bồ tát tại gia trong kinh VLT) này lại đều tu hạnh Phổ Hiền Đại Sĩ.

Hầu như chư Phật mười phương đều tu hạnh Phổ Hiền. Vì sao? Phật nào cũng có trí huệ vẹn toàn; có nghĩa là không phải là trí huệ trên lý trên lý thuyết suông mà trí huệ của các ngài đã trải nghiệm qua thực hành, qua hạnh phổ hiền, thực hành đức hạnh hiền lành, từ bi hỉ xả rộng lớn, sâu xa. Hạnh phổ hiền, thực hành đức hạnh phổ hiền.

 “Đến lúc lâm chung, thân không khổ, tâm không phiền não v.v…liền được vãng sanh”

Phổ Hiền có nghĩa gì.

Hiền là dễ thương, dễ mến…Còn chữ phổ chỉ là tĩnh từ nói lên tính chất hiền như thế nào, lành như thế nào. Phổ là phơi bày, trình bày, là khiến cho mọi nơi, mọi người, mọi giới, mọi chúng sanh, cùng khắp, rộng lớn đều biết đến. Phổ Hiền là cái tính hiền lành không che dấu, không giấu kín làm của riêng, mà đem cái hiền lành này tỏ rõ cho muôn loài, mọi nơi hưởng nhờ. Phổ không mang ý nghĩa bình dị, thường tình, đơn giản, dễ thực hiện, ai cũng làm được, nhưng hầu như có ẩn ý này. Vì không đơn giản, không dễ hiểu, dễ làm thì không thể nào phổ biến rộng rãi cho mọi tầng lớp.Vậy nên đặt lòng tin, mọi chúng sanh có thể tu tập. Vị Bồ Tát này là Đại Hạnh Phổ Hiền. Tánh hiền đức được phổ biến không nhờ lời nói, chữ viết nhưng nhờ hành động, qua các việc làm bởi vậy gọi là Đại hạnh. Những hành động lớn, rộng sâu.v.v..

Bài hạnh nguyện Phổ Hiền này Phật tử đều thuộc lòng rồi.

Nhất giả lễ kính chư Phật,
Nhị giả xưng tán Như Lai,
Tam giả quảng tu cúng dường,
Tứ giả sám hối nghiệp chướng,
Ngũ giả tùy hỉ công đức,
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân,
Thất giả thỉnh Phật trụ thế,
Bát giả thường tuỳ Phật học,
Cửu giả hằng thuận chúng sanh,
Thập giả phổ giai hồi hướng.

Quý vị thay chữ giả bằng chữ là thì dễ hiểu ngay.

Nhất là lễ kính chư Phật.

Chư Phật có nghĩa là khắp thảy, tất cả, vô lượng, vô biên Phật. Phật đã thành, Phật đang thành hay phật đang tu, Phật sẽ thành. Mỗi chúng sanh đều là Phật.
Nói đến lễ kính chư Phật thì ta liền thấy hình ảnh đại đa số người đời thường tới chùa, là vội vàng vào chánh điện, thắp một nắm nhang, xông khói, làm ô nhiễm không khí, rồi lạy thật nhiều, cầu xin thật nhiều. Một số ít khác, nghiêm trang lạy Phật xi măng, Phật tượng đá, Phật trên giấy.
Nếu có ai lỡ tay làm rách tấm Phật giấy là họ tỏ thái độ, và ngay trong thái độ đó ta đọc được họ không lễ kính ông Phật trong người bạn đạo.

Lễ kính chư Phật, không phải là mỗi ngày lạy vài ngàn lạy mà không biết mình cũng là Phật sẽ thành. Tôn kính, lễ kính Phật của mình trong mọi thời, mọi khắc hành giả sẽ không bao giờ vội vàng, hấp tấp, luôn luôn tỉnh thức trong mọi việc mình đang làm. Lễ kính mình thì không khi nào mình giám buông lung làm điều càn giở. Lạy tượng Phật mà tâm không có Phật thì đâu khác chi tập thể dục.
Chư Phật không còn tại thế, lạy hình tượng Phật là chuyện dĩ nhiên, là một hình thức không thể có lựa chọn nào khác để tưởng nhớ, để tỏ bày lòng mình qua hình thức kính lễ Phật và công ơn Phật. Khi thân và tâm hợp nhất kính lễ tức là lễ xuống với lòng thành kính, ta kính trọng chư Phật gồm có Phật đã thành, Phật trong ta, Phật trong bạn đồng tu, Phật trong mười phương pháp giới. Ta có đem tâm kính trọng sâu sắc, rộng rãi như vậy thì bản ngã sẽ tiêu trừ. Biết hạ bản ngã mình xuống thì lập tức mọi tội chướng tiêu tan, chẳng còn oan gia, trái chủ nào giữ ý tưởng trả thù, những oán hờn đã kết thắt tự nó được buông, được cởi, tháo rã được giải thoát. Trong kinh Vô Lượng Thọ cũng nói Phật nhãn thấy biết tất cả. Do đó hành giả làm lành, làm ác đều Phật đều biết, Phật tánh đều rõ. Phật và Phật tánh là nơi hành giả có thể gởi gắm, thú tội, xưng tội, bộc bạch rõ ràng trong tâm và phát nguyện từ đây không tái phạm mà phải tạo công đức, phước thiện để bù đắp tội lỗi.  Mỗi vị Phật có Phật tánh nào đó tương ứng trong tâm, có khả năng giúp hành giả tự lực làm tiêu trừ tội chướng, khiến tâm ô uế được thanh tịnh, Sự gia hộ của Phật là đức tướng, đức tánh của vị Phật đó thấm thấu vào tâm hành giả trong mỗi cái lạy. Người lạy sám hối nên rõ ràng điều này. Đức hạnh thấm vào từng cái lạy, tính xấu, tội lỗi tiêu trừ, thân tâm sẽ an lạc.

Kính lễ là lễ, là lạy, là xá, là chào hỏi, là thưa gởi là những hành động lễ nghi tỏ lòng cung kính. Trọng tâm là lễ.
Còn lễ kính là sự kính trọng mà những lễ nghi hình thức có năng lực, mang tải sự cung kính khiến cho đối phương nhận ra. Trọng tâm là sự kính trọng.
Tâm kính trọng mới là sự điều phục, điều cần làm. Lễ kính đức hạnh mà tôn tượng được biểu tượng, học và tu sửa cho có đức hạnh đó, không lễ cục xi măng.
Vậy chớ có đem cái tâm lễ mà không kính. Xá, lạy, bắt tay, chào hỏi chiếu lệ là những hành động xây dựng bản ngã. Những thứ giả dối này còn tệ hại hơn là không thực hành nghi lễ. Vì vậy hãy đọc lại lần nữa:

Nhất giả lễ kính chư Phật.

Khi lạy Phật ta cũng nhớ kính trọng Phật trong ta cùng lúc đó ta cũng lễ kính Phật trong muôn loài chúng sanh; có thế ta mới không móng tâm kênh kiệu.

Nhất là lễ kính chư Phật.

Phật là giác ngộ. Đôi khi chúng ta thấy, nghe, các nhóm chữ: đức Phật, đấng giác ngô; “đức”, “đấng” đem lại ý nghĩa có chút hình tượng, nghĩa là khi nói đến Phật con người có thói quen có hình tượng nào đó.
Điều đáng khắc ghi là ta phải giác ngộ. Đây không phải là tự cao mà là tự tin, và tin lời Phật dạy. Và dù cho có vòng vo cho lắm cũng đến mục đích là nên phát tâm Bồ Đề, nên phát tâm giác ngộ. Không phát tâm Bồ đề, không phát tâm Giác ngộ, thì đến với đạo Phật không mục đích. Phát tâm Bồ Đề là điều tiên quyết, cho nên:
Nhất giả lễ kính chư Phật.

Hiện nay kinh sách nhiều, chùa nhiều, người đọc tụng kinh điển cũng nhiều do đó Thường Bất Khinh Bồ Tát không còn xa lạ. Bước đến chùa, vào đạo tràng, biết nhìn bạn đồng tu với mình là Phật tương lai không còn là chuyện mập mờ, bí ẩn gì nữa. Ngồi trong đạo tràng, đông, tây, nam, bắc, mọi phương đều có bạn đồng tu; mười phương chư Phật thường hộ niệm cho nhau, ngay trước mắt. Vậy cùng nhau giữ mực thước, ít ra cũng giữ giới hòa đồng tu là chuyện nên làm nhất. Lễ kính chư Phật trong chúng đồng tu là việc làm then chốt trong việc tu tập hằng ngày. Các việc khác như dâng hương hoa, nước, lễ lạy v..v..chỉ là việc phụ thuộc.

Viết tới đây thôi! Mời quý bạn đạo tìm cho ra bài văn “Khuyến phát Bồ Đề tâm” của ngài Thực Hiền, Tổ sư  của Tịnh độ tông. Hầu hết tăng, ni phải học thuộc lòng. Đây là một trong hai bài văn tuyệt tác trong Phật giáo.

Ghi chú:
Lạy xuống, đầu sát đất, lưng nằm ngang, hai mông chạm gót chân. Ai có cái bụng to thì nới rộng hai đùi ra một tí, để cho cái bụng phệ chạm đất luôn, có như thế ta mới không chổng mông, khiến người phía sau khó chịu.

Nhị giả xưng tán Như Lai.

Như Lai nghĩa là đến như vậy, đến như thế, (as is). Thông thường Phật dùng để tả đấng giác ngộ mà ý tưởng giới thiệu ngài có nghiêng về hình tướng, còn khi giới thiệu những đức tánh của ngài thì ta dùng chữ Như Lai. Sự phân biệt này không được áp dụng triệt để vì rất nhiều chỗ trong kinh sách vẫn gọi “đức Như Lai”.
Khi kính lễ, ta cần có đối tượng về hình tướng, khi xưng tán, tán thán, ca ngợi ta thường nhắm vào đức tánh. Hai câu:
Nhất giả lễ kính chư Phật,
Nhị giả xưng tán Như Lai,
Cho ta chút phân biệt rõ ràng hơn về hình tướng và đức tánh về hai chữ Phật và Như Lai.
Có chỗ nói rằng Phật chẳng từ đâu đến, không đi về đâu. Cũng có chỗ nói Như Lai không từ đâu đến, chẳng đi về đâu. Nếu cứ chấp nhất đúng sai thi chẳng còn là như lai nữa.
Như Lai thường được đề cập cho cái tâm không rộn ràng, không dính mắc, an nhiên, tự tại, rỗng rang, tịch tĩnh khi mọi .niệm, mọi ý tưởng..v..v.. đến thì biết chúng đến, chúng biến mất cũng biết. Tâm của đấng giác ngộ, trí và bi viên mãn…các ngài tự xưng là Như Lai. Các ngài không còn cái tôi, cái ta trong xưng hô đối đãi nữa.

Như Lai còn có nghĩa là nói như làm, làm như nói. Nghĩa này thực tiễn hơn trong việc tu tập hằng ngày.


Ca dương, xưng tán, khen ngợi, để tỏ lòng kính trọng với chư Như Lai, thực sự không quan trọng hơn là những rung động muốn học theo, hành theo những đức tính cao quý để sẽ là Như Lai. Trên thực tế, hằng ngày tập ca ngợi, tán thán, học hỏi những tánh tốt của mọi người xung quanh, tâm tâm, niệm niệm chỉ học điều tốt, không để ý đến điều xấu của người. Thấy điều tốt của người sửa đổi điều chưa tốt của ta. Thấy điều xấu của người để ta tránh, không phạm. Đấy là những điều thiết thực trong câu:
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Người tốt, người xấu đến và đi trong trách nhiệm, nhiệm vụ của họ phải làm do luật nhân quả điều hành. Tất cả đều là thiện tri thức đang giúp ta chuyển hóa. Đấy là xét ngoại cảnh, năng lực bên ngoài.
Rèn luyện tâm, hành giả quán chiếu thường xuyên tâm trí mình, những đức tính, những thói hư, tật xấu, những phước trí, những tội lỗi v.v… là những thiện tri thức gần gũi ta nhất. Chúng cũng đến, đi trong xếp đặt tự nhiên (như lai), của luật nhân quả. Không có chúng hiện diện thì ta có cái gì mà tu sửa mà thành Phật.

Một đoạn kinh Duy Ma Cật và một đoạn trong kinh Vô Lượng Thọ nói về Như Lai, nên đọc cho biết:

2.- Ông Duy Ma Cật hỏi Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Thưa ngài Văn Thù Sư Lợi! Xin ngài cho biết những gì là hạt giống Như
Lai?

- Văn Thù Sư Lợi đáp: Thân là hạt giống Như lai. Vô minh, ái là hạt giống
Như lai. Tham, sân, si là hạt giống Như lai. Tứ đảo, ngũ cái, lục nhập, thất
tình, cửu não, thập bất thiện nghiệp là hạt giống Như lai. Nói tóm lại, 62 thứ
kiến chấp và tất cả các phiền não đều là hạt giống Như lai.

- Nói thế nghĩa là gì?

- Nghĩa là những tâm và tâm sở pháp có tánh chất phiền não, vô minh đó là
hạt giống Như lai Phật. Ngược lại, nếu người tỏ ngộ vô vi, chứng nhập
chánh vị thì không thể phát tâm hướng đến vô thượng Bồ đề. Ví như cao
nguyên và đất gò, sen không thể mọc được thì còn mong gì trổ được hoa.
Chỉ có đất thấp, bùn lầy, hoa sen mới sanh trưởng. Cũng như vậy, người ngộ vô vi pháp, chứng nhập chánh vị không cần sinh hoạt ở trong Phật pháp nữa.
Chỉ có chúng sanh ở trong bùn lầy phiền não, mới phát khởi lòng mong cầu Phật pháp mà thôi. Cũng như trồng cây trong hư không, cây không thể sanh
trưởng. Phải trồng ở chỗ có đất phân, cây mới tươi tốt sum suê. Cũng vậy
người chứng nhập vô vi chánh vị không còn điều kiện để sanh trong Phật
pháp, thà kiến chấp to như núi Tu Di mà họ còn có cơ hội phát tâm cầu vô
thượng Bồ đề, sanh trong Phật pháp. Thế cho nên phải biết rằng: Tất cả
phiền não là hạt giống Như lai. Ví như không lặn xuống biển sâu, không thể
có được bảo châu vô giá. Không vào biển lớn phiền não, không thể có nhất
thiết trí vô giá Như lai.
Như Lai vượt qua các thứ đến và đi, không vướng bận, không dính mắc; nhưng phải có cái gì đó đến và đi; cái đó đoạn kinh trên gọi là hạt giống, chất phân, chất đất, chất bùn v.v...

Phẩm ba, kinh Vô Lượng Thọ mà cư sĩ Hạ Liên Cư viết:
A Nan đương tri! Như Lai chánh giác, Kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại, năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp. Thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm. Sở dĩ hà giả? Như Lai định huệ, cứu sướng vô cực, ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại.
A Nan nên biết! Trí chánh giác của Như Lai khó lường, chẳng có chướng ngại. Trong khoảng một niệm, Như Lai an trụ cả vô lượng kiếp, thân và căn sắc chẳng hề tăng giảm. Tại sao thế? Vì định huệ của Như Lai đã trọn vẹn cùng cực. Như Lai tự tại tuyệt đối với tất cả pháp.

Tôi thích nhất là câu Như Lai tự tại tuyệt đối với tất cả pháp. Bát phong không lay động, không dính mắc sắc thanh hương vị xúc pháp, ngũ uẩn không ngăn che, vượt qua hết thảy chướng ngại khổ đau, vượt ra khỏi sanh tử luân hồi v.v...vượt qua tất cả các pháp. Câu ngắn gọn xúc tích.

Tathāgata (DevanagariतथागतSanskrit: [t̪əˈt̪ʰɑːɡət̪ə]) is a Pali and Sanskrit word the Buddha of the Pali Canon uses when referring to himself. The term is often thought to mean either "one who has thus gone" (tathā-gata) or "one who has thus come" (tathā-āgata). This is interpreted as signifying that the Tathagata is beyond all coming and going – beyond all transitory phenomena. There are, however, other interpretations and the precise original meaning of the word is not certain.[1]
The Buddha is quoted on numerous occasions in the Pali Canon as referring to himself as the Tathagata instead of using the pronouns me, I or myself. This may be meant to emphasize by implication that the teaching is uttered by one who has transcended the human condition, one beyond the otherwise endless cycle of rebirth and death, i.e. beyondsuffering.
Để tránh sự chấp nhất, các lời phê phán kinh Phật không bằng tiếng Tàu, sao cứ đem tiếng hán ra mà giải thích thì đoạn văn bằng tiếng anh trên nói lên nghĩa của chữ Như Lai. Dịch kinh Vô Lượng Thọ tôi dùng chữ Như Lai khi Phật xưng hô. Đoạn văn trên cho tôi yên tâm.
Tại sao cúng dường lại phải quảng tu?

Quảng có nghĩa là rộng rãi, rộng lớn, mênh mông, mở cửa, mở rộng cho mọi thứ mọi loài.
Hãy mở tâm hồn rộng thênh thang ra mà cúng dường, mà bố thí cho mọi tầng lớp, mọi loài, bố thí, cúng dường nhiều loại, nhiều hình thức khác nhau; đấy gọi là quảng tu cúng dường.
Thông thường khi dâng tặng cho bậc cao trọng ta gọi là cúng dường, cho người nhỏ, thấp hơn, hạng loại thấp hơn ta gọi là bố thí, cho, thí là giúp đỡ, bố thí là cho, giúp đỡ cùng khắp. Nếu việc bố thí mà có tâm thí cho mày..v..v.. thì mất hết phước đức.
Dầu sao đi nữa hai chữ bố thí và cúng dường có chút nghịch lý với tính bình đẳng của đạo Phật. Chút chút thôi, nhưng có thì phải nhận là có.
Vào thời buổi này, lắm chuyện thật nhố nhăng, nhất là chuyện kêu gọi cúng dường. Chư tăng ni làm không biết bao nhiêu việc mà Phật khuyên không nên làm trong kinh Phạm Võng. Đám Phật tử mê tín cứ đua nhau đưa cổ vào để được cứa và được tiếng khen hão huyền.
Thôi chấm dứt chuyện ngoài lề. Quay về! quay về ngay! không nêu lỗi người.

Nói đến bố thí, cúng dường thì chúng ta đã gặp rất nhiều kêu gọi lòng trắc ẩn có mục đích tốt đẹp hay đen tối, xấu xa vì thế ta nên thận trọng. Bố thí ba la mật, bố thí tiền tài, vật thực, vật dụng, bố thí sự không sợ hãi, bố thí pháp..

Trong kinh này, chúng ta nghe Phật dạy bố thí cho kẻ cùng khổ, phước đức lớn gấp trăm ngàn lần cúng dường cho chư Phật.
Trong kinh khác, Phật lại dạy cúng dường cho hàng ngàn vị phàm tăng không bằng cúng dường cho một Bích Chi Phật và vân vân…
Tại sao thế? Vì giải chấp cái tâm của người cúng dường mà tùy nghi biến hóa.

Ví dụ ta muốn giúp hai anh chàng tự cao, tự đại. Một anh là tiến sĩ, một anh mù chữ. Ta phải dùng mấy phương pháp để họ hết tự cao?

Chúng ta nói đến những thứ bố thí, cúng dường mà chúng ta thường xuyên làm.
Những việc đem an vui cho người khác. Đơn giản như việc làm mang tính công dân giáo dục, đức dục, vệ sinh phổ thông, nên thi hành cho đúng. Các oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi khiến người xung quanh thoải mái; không khuấy động sự an vui, yên tĩnh của người khác, nhất là nên dùng những lời nói, không mang tính tuyên truyền, thúc dục, làm tổn thương, tổn hại, động não người nghe. Đấy là những cúng dường thiết thực nhất. Đem an vui, đem sự không sợ hãi cho tha nhân, làm cho tha nhân vui lòng, qua những việc có thể làm rất đơn giản, dễ dàng trong đời thường mà những việc đó là vô uý thí. Muốn đem an vui cho người khác thì tuyệt đối không nói xấu người, không moi chuyện không tốt của người cho người thứ ba nghe vì viên đạn xuyên qua tim một người thì một người chết, còn tiếng nói vang khắp mười phương, không một dụng cụ nào có thể thu trọn vẹn âm thanh đã phóng ra. Âm thanh phát ra từ nhiều năm trước, tận chốn xa xăm nào vẵn tồn tại trong vũ trụ mà máy móc, dụng cụ thích hợp có thể thu và cho phát ra. Lời nói xấu ác có thể là thuốc độc giết rất nhiều người trong nhiều thế hệ. Lê chiêu Thống bị nguyền rủa bao nhiêu đời rồi. Lê chiêu Thống đau khổ, phiền não hay không thì chẳng ai biết, nhưng người nguyền rủa thì ngay giây phút phát âm, lòng sân hận dâng trào. Vậy chớ có khen mình, chê người, nói, kể, viết chuyện xấu của người một cách khờ khạo. Người có tội không bị quả báo nặng bằng người moi cái xấu của người khác; hãy gẫm luật nhân quả sẽ rõ. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng dạy trong bài giảng tri thiên mệnh: “Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh”.
 Buông tha tâm trí mới nhẹ nhàng và người có lỗi mới có cơ hội sám hối mà cùng tiến tu.

Bậc thứ hai, là làm ba mươi tám hạnh trong đời sống bình thường để tạo cuộc sống hạnh phúc, không làm phiền người khác và xã hội. Trong những hạnh này, cung kính nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà, con cái là những việc thiết thực và có công đức cao trọng. Tóm tắt là làm tròn bổn phận, thi hành những nhiệm vụ của người cháu, người con, người anh, người chị, người em, người mẹ, người cha..v..v..người hàng xóm trong cộng đồng, người công dân.

Thứ ba, khi làm việc gì thì tâm của mình an trú trong việc làm ấy.
Dâng nước cúng Phật, tách nước sạch, nước trong, tay chân, thân thể đã tắm gội; đặt tách nước con nguyện: “nguyện cho muôn loài chúng sanh được mát mẻ, được nhu nhuyễn, an lạc..v.v…
Dâng hoa: “Con nguyện muôn loài chúng sanh sớm phát tâm tìm cầu Phật pháp, sớm mở tâm thơm ngát, trong sạch như hoa…..”
Cắm nhang, đốt trầm : “Con nguyện Phật pháp lan tỏa khắp mười phương…”
Dâng trái cây: “Con nguyện cho tất cả chúng sanh sớm đạt đạo quả.”

Cúng dường trong mọi oai nghi và ái ngữ trong từng lời nói, từng giây, từng phút, nhẫn nại, chuyên cần…

Tuyệt đối không xin xỏ bất cứ chuyện gì cho mình mà phải buông xả, hồi hướng, chia xẻ mọi công đức nhỏ nhất nếu có…Có chút nào xả thí hết chút đó đến chúng sanh.

Cúng dường, bố thí..v.v..là đề tài đầu môi của nhiều người. 

Trong kinh ta thường thấy chư Thiên, chư Bồ Tát v.v...thường đi cúng dường khắp mười phương chư Phật. Nếu ta tin sâu sắc lời Phật dạy, tất cả chúng sanh đều là Phật thì ngay trong đời sống này, khi lòng ta hoan hỷ, từ bi, hỷ xả là những cơn gió dức thổi lên, trổi dây trong lòng ta khiến ta có những tư tưởng, lời nói, hành động hiện bày ra an ủi, vỗ về, giúp đỡ, đem lợi lạc cho muôn loài chung quanh; chúng ta cũng đang cúng dường mười phương chư Phật chung quanh chúng ta, trong khoảnh khắc vậy. Không khác đâu. Vậy chớ tự coi thường ý nghĩ, nụ cười, tiếng nói, hành động, cử chỉ có chánh niệm ngay bây giờ và tại đây. Đó là bố thí, là cúng dường không ngừng nghỉ, không nhiễm tâm tính toán. Đó là cúng dường Ba La Mật mọi người thường làm, có thể làm một cách dễ dàng và tư nhiên.

Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
....

Đại đa số Chánh sĩ tu hạnh Phổ Hiền thì những người tu Tịnh độ cũng nên thuộc lòng và tu theo hạnh này.

Kính chúc quý vị an vui.


Trần đức Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét