Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Cảm nhận hơi thở.

Vừa mới lọt lòng mẹ, hài nhi lập tức biết hít vào, thở ra. Hơi thở vào ra xác minh sự sống chết của con người; có lẽ của mọi sinh vật. Hơi thở vào, hơi thở ra rất tự nhiên, không tâm ý nào can thiệp.

Đức Phật cũng chỉ dạy hít thở bình thường, tự nhiên; có điều Ngài cứ nhắc tới, nhắc lui câu: "Hít vào sâu  hay biết, thở ra dài hay biết; hít vào cạn hay biết, thở ra ngắn hay biết"  
Đâu ai thấy được không khí vào ra; nhưng mọi người đều có thể cảm nhận tức là hay biết được luồng không khí đang trôi chảy vào ra. Biết  hoặc hay biết; hay biết chứ không thấy biết.

Phật cũng đề cập đến hít vào rồi nín thở rồi thở ra; hơi thở qua tai, qua mắt. Những cách hít thở này không đưa đến giải thoát rốt ráo; rồi Ngài nhớ thành quả lúc còn bé theo vua cha ra đồng làm lễ cho nhà nông, Ngài ngồi dưới cây hồng táo, hít thở tự nhiên của trẻ thơ. Ngài áp dung cách hít thở tự nhiên này khi ngồi dưới cội cây Bồ Đề. Ngài thành Chánh Đẳng Chánh Giác khi HÍT THỞ TỰ NHIÊN.

Chúng ta đang sống trong thế gian, quanh ta vô lượng vô biên thế gian pháp. Thế gian pháp là những thứ tiếp xúc, xúc chạm, xâm nhập vào chúng ta qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thế gian pháp nhiều không nào kể xiết, không thể nào tính đếm được; tựu trung chúng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Có hai cách sống: nhập vào, hưởng thụ thế gian pháp hay là thoát ly thế gian pháp.

Những người chọn con đường thoát khổ, lìa tham, sân, si thì hay nghe câu: "Phật pháp bất ly thế gian pháp." Phật pháp chỉ là cách thức thu nhận, tiếp xúc, thọ nhận, CẢM THỌ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Dù cho vị tu sĩ nào có vào rừng sâu, ngồi dưới gốc cây, ngồi trong ngôi nhà hoang phế; vị đó vẫn thường xuyên tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; chỉ có thể nói là giảm bớt, không thể nói là thoát ly thế gian pháp.

Nói đến cảm thọ ta lại nhớ đến những lời giảng dạy: thọ lạc, thọ khổ, thọ trung tính. Vì có ba cái loại cảm thọ này mà quả tham, sân, si đơm hoa, kết trái. Chúng ta không thể buông xả tham, sân, si được vì chúng là quả đã kết thành.Ba kết tụ tham, sân, si này chỉ tiêu hao dần do ta buông bỏ các nhân duyên CẢM THỌ vừa chớm hiện ra, chớm nhận diện, chớm thấy biết, chớm hay biết. Khi những cảm thọ phấn khởi, vui mừng, đón nhận thì ý muốn ôm vào, chiếm đoạt sinh ra đó là THAM THAM THAM. Khi những cảm thọ  không hài lòng chối bỏ, phản bác, từ chối thì ý muốn xô đẩy, hất bỏ, loại trừ đó là SÂN SÂN SÂN. Khi những cảm thọ mơ hồ, không hiểu, nghi ngờ khiến không biết chọn lựa, mất sáng suốt đó là SI SI SI. Chúng ta chỉ buông bỏ, xả ly những cảm thọ ôm vào, xô đẩy ra, mù mờ mà thôi. Đó là những nguyên nhân chớm xẩy ra, vừa chợt hiện ra.  Buông xả nguyên nhân hay nhân duyên khởi sự như thế này gọi là: Thấy biết cảm thọ từ trong trứng nước, cảm thọ tan biến. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh hay giảng, "Buồn ơi! chào mi hay Hello! ông bạn nóng giận" Thấy biết chúng, chúng liền tan biến. Có lẽ HT có kinh nghiệm này.

Suy xét thật rốt ráo ta nhận ra là phải tập thấy biết cảm thọ. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp vào vào, ra ra qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không thể nào nhận biết, thấy biết...nếu không chú tâm luyện tập. Khi chúng vừa lọt vào giác quan, tâm ý lập tức bị khơi động, sáng chế, thêu dệt. Ôi thôi đủ điều! Rồi kéo theo vô số đau thương, phiền não, vui buồn. Nói rất gọn, trong các thế gian pháp chỉ có hơi thở là thế gian pháp VÔ TƯ NHẤT. Hơi thở là thế gian pháp trung tính nhất. Nó thân thiết với con người nhất. Để tập thấy biết các thế gian pháp vào ra thế nào, ta luyện tập với cái dễ nhất: "thế gian pháp: HƠI THỞ". Có lẽ từ mấy ngàn năm trước mấy ông già ngồi lim dim đã có chọn lựa này rồi, chúng ta chỉ bắt chước theo và...

Tập tành, tập tành từ bước đầu tiên.

Tại sao phải chọn hơi thở để tu tâm. Tu tập phải liên tục và kiên trì suốt đời. Chỉ có hơi thở là một nhu cầu cần thiết là pháp thế gian gắn liền với cuộc sống từ lúc sinh cho đến lìa đời. Mọi pháp thế gian khác vào ra mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều bị sinh diệt và không xuất hiện liên tục, không lặp lại giống như nhau và hay khêu lên tâm ôm vào, đẩy ra, hoài nghi. Chỉ có hơi thở hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, còn tu tập thì tập thấy biết bây giờ tại đây. Lúc tâm ý lêu lổng, rong chơi thì phải quay về; vừa muốn quay về thì hơi thở có mặt tại chỗ; thế là cứ tiếp tục hay biết, cảm nhận; không phải chờ đợi, tìm kiếm. 

Thôi, không dài dòng nữa, viết tới đây là đủ rồi; phần còn lại đều ở trong óc người đọc rồi.

Mô Phật.

Bây giờ mình nghe 
https://www.youtube.com/watch?v=TopdRyccnlQ

HƠI THỞ CUỐI CÙNG
Hôm trước, tôi có chia sẻ một phương cách để đối trị vọng tưởng, tâm chạy đi lang thang chỗ này chỗ kia bằng cách tự nhắc nhở dựa theo câu chuyện về ba câu hỏi của nhà vua:
1) Thời gian thuận lợi nhất là NGAY BÂY GIỜ, không phải là lúc nào khác.
2) Người quan trọng nhất là chính THÂN TÂM NÀY, không phải quan tâm về bất cứ người nào khác.
3) Công việc quan trọng nhất là THEO DÕI HƠI THỞ VÀ CÁC CẢM THỌ NƠI THÂN, không phải là lúc lo lắng, suy tính về bất cứ chuyện gì khác.
Hôm nay tôi xin chia sẻ một phương pháp khác, dựa theo cuốn sách “Satipatthana Meditation – A Practice Guide” (Thiền lập niệm - Hướng dẫn thực hành) của Bhikkhu Anālayo. Hãy xem mạng sống của mình chỉ bằng một hơi thở. Thở vào, không thở ra là chết. Thở ra mà không thở vào là chết. Chỉ đơn giản có thế. Trong Chương 38 của kinh “Bốn mươi hai chương” thuộc Hán tạng, Đức Phật cũng dạy tương tự. Mạng sống chỉ kéo dài bằng một hơi thở. Sư Anālayo kể nhiều trường hợp Sư được thỉnh đến thăm viếng và trợ duyên cho những người sắp chết. Sư quan sát thấy những người ấy hít vào một hơi cuối cùng rồi ngưng bặt, qua đời.
Vì thế, trong cuốn sách trên, Sư đề nghị chúng ta thực tập niệm hơi thở bằng cách xem mỗi hơi thở như là hơi thở cuối cùng trước khi chết. Sau một hơi thở, nếu mình chưa chết thì xem như mình vừa bước đi thêm một bước tiến dần đến cửa tử. Như thế, chúng ta mới trân quý từng hơi thở, từng giây phút trong hiện tại.
Dựa vào lời khuyên đó, tôi thực hành niệm hơi thở như sau:
1) Khi hít vào, niệm theo luồng hơi thở vào: “Chết, chết, chết, chết”, giúp cho mình đem tâm về hiện tại, không lang thang đi nơi khác.
2) Khi thở ra, niệm chỉ một âm dài theo luồng hơi ra: “B…u…ô…n…g”, giúp cho mình buông xả mọi chuyện lăng xăng khác.
Cứ như thế mà nhịp nhàng theo dõi từng hơi thở vào ra.
“Chết, chết, chết, chết” (thở vào), rồi “B…u…ô…n…g” (thở ra).
“Chết, chết, chết, chết” (thở vào), rồi “B…u…ô…n…g” (thở ra).
“Chết, chết, chết, chết” (thở vào), rồi “B…u…ô…n…g” (thở ra).
Theo kinh nghiệm riêng, tôi thấy phương cách nầy rất hiệu quả, giúp tâm tôi an định, nhẹ nhàng, buông bỏ các chuyện lo âu tính toán, không còn quan tâm đến bất cứ chuyện gì khác. Khi tâm tương đối an định rồi, có thể bỏ lối niệm đó, chỉ còn đơn thuần theo dõi, quan sát và ghi nhận hơi thở.
*