Thân tâm bất tịnh.
Suốt ngày ta có thể tự kiểm tra và chế ngự được những loại
thân bất tịnh nào?
Thứ nhất ta thường nghe giảng thân này do tứ đại hợp thành và
chứa toàn những thứ bất tịnh. Các chất bất tịnh này được thải ra qua chín lỗ.
Thật ra mồ hôi được thải ra qua rất nhiều lỗ chân lông. Quán sát này ta chẳng
chế ngự được những bất tịnh mà chỉ có một chút tâm nhờm tởm nhờ đó không đắm
say vào việc chăm sóc cho thân xác. Quán sát này chẳng giúp cho tu tập đạt có kết
quả cao.
Loại thân bất tịnh thứ hai, ít được đề cập tới. Đó là cái thân
đòi hỏi được thỏa mãn những nhu cầu. Đi lâu thân đòi đứng, đứng lâu thân đòi ngồi,
ngồi lâu thân đòi nằm, vài giờ không uống cổ khô đòi nước, không ăn bụng cồn cào,
kêu gào thức ăn, nhiệt độ trên 78 F đòi gió mát, dưới 60 F đòi áo ấm, đòi ngủ, đòi
nghỉ, che nắng, che mưa đòi nón, đòi nhà. Hành giả còn có những thói khen chê về
hình sắc thì chê mờ, chê chói, chê xấu, khen đẹp; về âm thanh thì khen, chê, êm
tai, chát chúa, xúc chạm êm ái, thô nhám, quá lạnh, quá nóng.v.v…Tuy nói là thân
đòi nhưng thực chất là tâm đòi hỏi. Những cái tâm bất tịnh này, hành giả không
ngừng quán sát sẽ có thể hàng phục, chế ngự. Nhiều người đã nhờ hình ảnh Phật
Thích Ca với ba tấm y, một bình bát, cũng như ba chữ: “sống biết đủ” mà an định
được những cái tâm đòi hỏi này. Quán sát từng giây, từng phút những loại thân tâm
bất tịnh này mới sửa đổi, chuyển hoá thiết thực hơn. Thiết thực vì chúng ở ngay
trong ta từng giây, từng phút nhưng chúng ta si mê, tham thụ hưởng thú vui chớp
nháy nên mờ mắt, ù tai không nghe, không thấy.
“Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày,
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh.”
Ai trong chúng ta, hễ còn là phàm phu thì tâm cứ lăng xăng
trong sáu nẻo luôn hồi. Tâm ý chúng ta nhảy quá nhanh khiến chúng ta chợt sống
trong tâm cảnh địa ngục, chợt sống trong cảnh ngạ quỷ, chợt sống trong cảnh súc
sanh, chợt sống trong cảnh atula, chợt sống trong cảnh người, chợt sống trong cảnh
trời. Sáu loại chúng sanh này chợt sanh chợt diệt trong tâm.
Ngày nào, lúc nào chúng ta tụng kinh, lúc nào nhớ nghĩ đến
Phật Pháp thì câu này thường hiện ra:
“Chúng sanh vô biên
thề nguyện độ”.
Độ thế nào?
Hãy giữ cho tâm không còn một niệm (cho những ai tu thiền).
Hãy giữ cho tâm chỉ còn một niệm A Di Đà Phật, hoặc cao siêu lắm …nhất tâm bất
loạn. (cho những ai tu tịnh độ)
Giả sử chúng ta 70 tuổi. Chúng ta đã chăm sóc cho cái thân
giả hợp, giả tan này quá ư là nhiều rồi. Cái thân này càng ngày càng đòi hỏi quá
quắt, nó mang tính phản bội, nó chẳng hề nhớ ơn chăm sóc của ta. Ta càng ăn nhiều,
càng tẩm bổ nhiều, thân càng nhõng nhẽo, đòi hỏi nhiều hơn, nay nhức, mai mỏi.
Hãy nhìn người nông dân đồng tuổi với ta, nghèo đến không có tiền mua viên thuốc
đau bụng, hắn sống hiên ngang trong gió mưa. Hắn có tâm thanh tịnh, hắn an phận
biết sống vừa đủ.
Tâm bất tịnh phát xuất từ sợ chết, ham sống lâu, ham trường
thọ là một cái tâm phổ biến nhất, là tâm bịnh nặng nhất, như thuốc độc ngấm sâu
tận xương. Sinh, lão, bịnh, tử là quy luật nhân quả tự nhiên. Sợ hãi hay không
sợ hãi chỉ là chuyện thừa thãi. Thế nhưng, phần lớn những người thuyết giảng lại
là những người hay giới thiệu, hay chuyển gởi email, chỉ dạy những phương pháp
phòng bệnh, chữa bệnh để khích lệ kéo dài cuộc sống. Chúng ta nhận không biết
bao nhiêu là email về cách thức, mẹo vặt, chữa bệnh, các cách thức ăn uống, dưỡng
sinh… từ các Pháp sư. Quý ngài đem lợi lạc cho cuộc sống vật lý nhiều hơn cho tâm
linh. Thử hỏi mỗi ngày chúng ta có năm ba cái email loại này rồi óc cứ loay
hoay tính toán để bồi dưỡng thân thì còn đâu thì giờ và tâm ý mà tu tâm, sửa tánh.
Tâm bận rộn sẽ nặng hơn, làm lệch cán cân thiên bình, và bệnh, tử sẽ đến mau hơn.
Cũng có những bạn đạo nghiện ngập. Họ không nghiện ngập xì
ke, ma túy nhưng nghiện ngập chỉ dạy và sai khiến người. Nhất là mấy bà nấu ăn.
Rất nhiều người dở môn nào hay dạy người khác môn đó. Các bà nấu ăn dở, ngồi đâu
cũng dạy người nấu ăn là chuyện thường tình. Họ vừa buông đũa bữa điểm tâm liền
oang oang tính toán cho bữa ăn trưa, bữa ăn xế, bữa ăn chiều. Họ chỉ huy, khoe
tài huyên thuyên bất tận, về món ăn, về những loại bổ dưỡng, nhưng thỉnh thoảng
lại xác định, ra vẻ phân bua rằng: “chỉ có mình tôi là chuyên tâm niệm Phật và
im lặng trong những bạn đạo làm công quả”. (Thực ra hai đoạn văn dài dòng trên
chỉ cần vài chữ: “đừng có thế gian tạp thoại
hay là chớ có tự hào thế trí biện thông”, nhưng không dài dòng thì mấy bà
trong nhà bếp không ngừng phát thanh.)
Khi tâm thanh tịnh thì chẳng còn thứ bịnh nào quan trọng. Bịnh
quan trọng nhất là bịnh “tâm viên, ý mã” khiến cho chúng ta luân hồi sanh tử
trong từng sát na. Chúng ta đều đang “bị bịnh ung thư luân hồi” và chắc chắn những
người suy nghĩ lao lung, những người nói năng huyên thuyên thường là người bị bịnh
trầm trọng nhất.
Mang thân xác người, thân tứ đại tan rã đâu có chi luyến tiếc.
Tâm ý lăng xăng, sanh tử luân hồi liên miên bất tận khiến chúng ta thường xuyên
sống trong địa ngục vô gián. Địa ngục vô gián trong tâm ai thì người đó nên tự
biết mà chấm dứt. Phàm tâm này không chết thì chúng ta còn trong ngục vô gián,
thì làm sao thấy biết được tâm rỗng rang. Phàm
tâm này là tâm phiền não, vì lo cho thân mà có tâm này …đó là thân tâm bất tịnh…vì thân mà tâm trở
thành bất tịnh.
Tóm lại, thân bất tịnh, hôi thối, bài biết ..v..v..chỉ là cái
thân vật lý, không đáng tập trung bài giảng vào đó. Tâm ý lăng xăng, lo lắng, o
bế, lo sợ, phục vụ cho cái thân mới là trọng điểm để suy tư, quán sát về cái thân
bất tịnh. Tâm này không tận diệt thì thanh tịnh tâm không khai sáng. Và thực tế,
chúng ta chẳng làm gì được cho thân vật lý khỏi bất tịnh, khỏi thối rữa, nhưng
ta có thể cải biến, chuyển hóa tâm ý
lăng xăng, cái tâm lo cho thân; để đạt
được tâm rỗng rang. Khi tâm rỗng rang thì ta đâu còn bận tâm hoặc có ý niệm nào về thân vật lý, cứ để chúng thường xuyên vận hành tự nhiên...
CTHuy
7/31/2013
Ta cũng thường nghe: "tướng tùy tâm tạo"...gần tám mươi rồi tôi cũng nhận thấy rất rõ ràng điều này...tướng tốt đẹp hiền lành ở những người hiền lành lương thiện. "Cái nết đánh chết cái đẹp"...Câu đơn gỉan này lại hay nhất...
Ta cũng thường nghe: "tướng tùy tâm tạo"...gần tám mươi rồi tôi cũng nhận thấy rất rõ ràng điều này...tướng tốt đẹp hiền lành ở những người hiền lành lương thiện. "Cái nết đánh chết cái đẹp"...Câu đơn gỉan này lại hay nhất...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét