Không hý luận, không thế trí biện thông. Đây là những bài kinh và bài giảng, tập trung một chỗ để thuận tiện cho cá nhân.
·
·
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ Sáu,
03 Tháng mười 2008 10:43
Viết bởi nguyen
Hôm nay
chúng ta bàn về đề tài hí luận. Hí luận là những lời nói không có ý nghĩa,
không có sự thực, những lời nói làm rối loạn đạo tâm. Vì vậy, hí luận gây tác
hại không ít cho việc tu hành của người Phật tử chúng ta.
Tác hại
thứ nhất, hí luận làm chúng ta mất chánh định. Đã là những lời nói làm loạn tâm
thì chắc chắn không thể có định. Không định thì trí tuệ vắng mặt. Trí tuệ vắng
mặt thì ta làm bậy và kết quả là khổ.
Tác hại thứ
hai, hí luận làm chúng ta xao động mất yên ổn. Nói việc này nghĩ việc kia, lăng xăng theo bên ngoài. Mất yên ổn
tức là không được tịch diệt, đây là một khuyết điểm lớn của người tu hành. Vì
tịch diệt là vui, người tu chúng ta ai cũng muốn đạt được niềm vui trong quá
trình tu học. Niềm vui này xuất phát từ việc khắc phục những điểm dở, những
lăng xăng trong tâm của mình.
Tác hại
thứ ba, hí luận làm chúng ta không được tự tại. Thường khi nói nhiều chúng ta
sẽ nói những điều không hay, hoặc không kiểm soát được lời nói của mình. Chưa
kể những lúc vì tham sân si mà mình nói thì mất tự chủ hoàn toàn. Mất tự chủ
thì không thể tự tại. Nên chúng ta phải cẩn trọng đối với hí luận.
Sau đây
chúng ta sẽ bàn qua từng vấn đề một.
Trước nhất
nói về lỗi loạn tâm. Ai cũng biết, tất cả người tu chúng ta không kể là tu theo
pháp môn nào, tất cả phương tiện hành trì của mỗi tông đều nhằm để nhiếp tâm.
Như tông Tịnh độ, niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật chủ yếu là để thâu nhiếp tâm
loạn động của mình. Nhiếp nghĩa là gom lại, nắm lại cho được thống nhất. Nhiếp
tâm là gom tâm lăng xăng, lộn xộn, nghĩ việc nọ việc kia của mình lại một chỗ.
Ai niệm Phật được nhiếp tâm, thì chắc chắn người ấy được Phật rước, tùy theo
công phu của mỗi người mà có các cảnh giới khác nhau.
Nếu Phật
tử tu thiền, theo đường lối của Hoà thượng Viện trưởng dạy, đừng lý sự tới
những công việc lăng xăng bên ngoài, buông bỏ vọng tưởng. Bản thân cần phải
định tỉnh, sáng suốt. Muốn đạt đến trạng thái định tỉnh sáng suốt này, chúng ta
phải sắp đặt công việc hài hòa với việc tu tập của mình. Làm thế nào để từng
giờ từng phút, chúng ta có thể giải quyết mọi công việc mà vẫn làm chủ được.
Làm chủ được mình rồi, chúng ta sẽ tỉnh sáng, sẽ tự tại được đối với các pháp.
Ngay khi ấy là có thiền định.
Việc hí
luận làm chúng ta bị loạn tâm, dù tu pháp môn nào mà tâm loạn, không làm chủ
được mình, cứ ngược xuôi theo những lăng xăng bên ngoài, tức là chưa tu đúng
lời Phật dạy. Những lời nói bình thường đã là không thực, hà huống những lời
nói đem lại sự buồn bực, chia lìa, vô ích. Là Phật tử chúng ta phải chấm dứt
những lời nói như thế. Chúng ta tu ngay từ trong ý nghĩ của mình thì sẽ không
dẫn tới lời nói sái quấy. Vừa dấy nghĩ, chúng ta phải kiểm soát ngay xem ý nghĩ
này đúng chưa. Nếu nó phát sinh từ tham sân si thì dừng lại đừng nói thành lời.
Nếu thắng được, dừng được, mọi ý nghĩ tạp nhạp thì chúng ta không hí luận, dần
dần chúng ta sẽ sống gần với tâm an ổn.
Người Phật
tử khi tiếp xúc nên nói lời thành thật và nói những lời có nghĩa. Làm sao lời
nói của mình đem lại sự vui tươi an lạc và đoàn kết cho mọi người. Việc gì
không cần thiết không nên nói. Các thiền sư dạy phải giữ miệng mình như cây
quạt mùa đông, mới có chút phần tương ưng. Chúng ta thì ngược lại, ai cũng
thích nói. Cái gì cũng nói được, chuyện không đáng nói cũng nói, chuyện của ai
đâu chẳng dính dáng đến mình, cũng nói. Nói để mất thời giờ, nói để loạn tâm,
nói không suy nghĩ, nói để lãnh hậu quả tai hại… Nói như vậy là tạo khẩu nghiệp
không tốt.
Tụng kinh
niệm Phật chưa phải là tu. Thuyết pháp giảng kinh chưa phải là tu. Chỉ vì người
xưa thấy chúng ta thích hí luận, nên lập bày các phương tiện như tụng kinh,
niệm Phật, đọc sách v.v… để dừng bớt cái miệng của mình. Bước đầu trong việc tu
hành là cốt làm sao dừng được hí luận, dừng được tâm loạn. Tâm không loạn là
tâm sáng suốt, tâm sáng suốt là đúng với tâm Phật.
Phật là
giác, chúng ta là con Phật thì chúng ta phải giác, chưa giác hoàn toàn như Phật
thì cũng phải giác được ít phần. Phật từ bi thì mình phải từ bi, Phật không
dính mắc thì mình đừng dính mắc, Phật là người hỷ xả thì mình cũng là người
không cố chấp. Như vậy mới đúng nghĩa con Phật. Trong việc tu hành, không cần
tìm ở đâu khó khăn, mà chỉ cần biết cách tu là đủ. Bây giờ Phật tử đi chùa cũng
được, ở nhà cũng được, làm bất cứ việc gì cũng vậy, chủ yếu là tỉnh táo, sáng
suốt, đừng để loạn tâm. Chẳng hạn, sinh hoạt mỗi ngày là nấu cơm, đi chợ, quét
nhà, ngủ nghỉ, tụng kinh v.v... thì cố gắng làm y như vậy, đừng để những thứ
tạp nhạp xen vào làm rối loạn chương trình của mình. Nếu có việc đột xuất phải
quán chiếu ngay để giải quyết. Người được như vậy, nhất định sẽ tu tiến.
Chủ yếu
của việc tu là phải đều đặn và liên tục, không thể tu một ngày mà thành Phật
ngay. Vì nghiệp tập của chúng ta nhiều đời tăm tối, ràng rịt. Bây giờ muốn gỡ
phải gỡ dần từng chút. Hôm nay tật nóng nảy của mình lóe lên như lửa nháng.
Biết vậy, ngày mai lỡ nó lóe lên nữa, mình kềm hãm lại ít hơn. Cứ vậy, lần lần
mình dập tắt nó hoàn toàn. Lúc nào cũng công phu như vậy, thì nghiệp tập ngày
càng mỏng. Muốn nghiên cứu Phật Pháp cũng vậy, mỗi ngày dành một thời giờ hay
nửa giờ đọc sách Phật, đều đặn liên tục như thế, trí tuệ sẽ mở sáng dần. Khi
phát huy được trí tuệ, bớt dần tập nghiệp thì chúng ta có thể thực hiện được
trọn vẹn đạo lý, đạt đến chỗ như ý trong việc tu học của mình.
Tác hại thứ
hai của hí luận là mình không hưởng được niềm vui tịch diệt. Tất cả các pháp
môn Phật dạy là những pháp Ngài thể nghiệm bằng cuộc đời của mình. Ngài đã thực
hiện, đã sống trải, đã đạt được và chỉ lại cho chúng ta. Bây giờ chúng ta muốn
được như Ngài thì cũng phải theo trình tự đó mà đi. Trước tiên phải đừng lao
xao lộn xộn, phải sáng suốt nhiếp tâm, thì mới lần vào được chỗ an vui vĩnh
viễn. Con đường của Phật đi là đời sống độc hành, Những thứ vui ồn ào bên ngoài
không thể đưa đến tịch diệt, giải thoát. Càng chạy theo thú vui của thế gian,
chúng ta càng mệt mỏi, càng vướng mắc khổ luỵ. Chúng ta phải khéo léo tránh đi,
phải mạnh dạn sáng suốt làm chủ, như vậy mới đạt được trí tuệ, không bị pháp
trần mê hoặc. Việc tu hành phải do tự mình giải quyết, không ai thay thế được.
Nếu chúng ta không quyết tâm thì không nhất tâm. Mà không nhất tâm thì không
định tỉnh, không nuôi dưỡng được sự sáng suốt, làm sao có ngày thành tựu quả vị
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Người tu
phải gan dạ chịu đựng. Gan dạ bỏ tất cả những gì cần bỏ. Chịu đựng được tất cả
những gì khó khăn. Làm được như vậy, nghĩa là mình có thể vượt qua và chiến
thắng những chướng duyên. Đó là niềm vui phấn chấn trong sự tu hành. Nếu tu
hành không có niềm vui, không có tịnh lạc, không có sự phấn chấn thì nhất định
mình sẽ bỏ cuộc. Vì đâu phải khi nào việc tu cũng xuôi chèo mát mái. Có lúc
thăng lúc trầm, cho nên niềm vui riêng của việc tu hành là điều không thể
thiếu. Nó là sức sống trong nhà thiền, là tuệ mạng của người Phật tử. Tuy chỉ
là niềm vui đơn giản, nhưng nó tạo sự phấn chấn hứng thú cho chúng ta. Chẳng
hạn có những điều Hòa thượng giảng, nghe thì nghe, chép thì chép, nhưng hiểu
thì mình còn… khiêm nhường, không chịu hiểu. Rồi bất thần hôm nào đó, mình nhè
chậu kiểng lũi vô, đầu tóe lửa, mắt đổ sao nhưng mà… bung ra. Đơn giản. Bình
dị. Đó chính là niềm vui tạo sự hứng thú trong việc tu hành.
Tác hại
thứ ba của hí luận là mình không làm chủ được mình. Người mà như cái máy, đụng
đến là nhảy, ấn tới là bung thì định tỉnh chỗ nào ? Đây là điều phải lưu ý!
Phật dạy mình phải định tỉnh. Từ định tỉnh phát sinh trí tuệ. Định tuệ rất quan
trọng, không thể thiếu trong đạo Phật. Như ở đây Hòa thượng dạy, trong đi đứng
nằm ngồi, vừa có niệm dấy khởi, biết đó là vọng, buông đi. Biết tức là tuệ.
Biết và buông được, không bị kéo lôi tức có định. Cho nên ngay khi mình biết
vọng tức là định tuệ hiện tiền. Định tuệ hiện tiền thì không có gì xâm phạm
được mình. Thẳng tắt đơn giản, nhưng nó đòi hỏi lúc nào mình cũng phải tỉnh,
phải sáng suốt. Hễ biết được thì phát huy trí tuệ, buông được thì định hiện
tiền.
Tất cả
cảnh giới đều là ảo hóa không thật, chỉ tùy tâm hiện. Một khi tâm thanh tịnh
thì tùy trạng thái tâm mà các cảnh giới hiện ra. Chúng ta không nên quan tâm,
không nên chạy theo và nhất là không nên đắm trước những cảnh giới ấy. Nếu chạy
theo thì bị ma dẫn rơi vào đường tà.
Đôi khi tu
một thời gian, bỗng nhiên mình phát lòng từ. Thấy cảnh khổ của thế gian mình
thương, thấy người tạo ác mình buồn, rồi khóc thôi là khóc, đòi cứu người này,
cứu người kia… Đó là do công dồn ép khiến như thế. Nhưng bức xúc quá thì mất
bình thường. Những hiện cảnh khổ đau trên cuộc đời này không thật và chính tâm
từ của mình cũng không thật. Chúng ta khóc thì làm được gì ? Phật nói, ngài chỉ
là bậc đạo sư, là người dẫn đường, đi hay không tùy mỗi người, nghiệp tập của
ai thì tự người ấy giải quyết. Chúng ta nên lo giải quyết cái nghiệp của mình,
lo thương mình. Cái già, cái bệnh chưa giải quyết, chưa làm chủ được. Rồi chết
đến chưa biết đi về đâu, mà nói thương người này người kia thì thêm phiền phức.
Trí tuệ đặc sệt như dầu hắc, thì thương để làm gì ? Lòng từ bi cần phải đi đôi
với trí tuệ thì mới không trở thành hệ lụy.
Tóm lại,
chúng ta phải làm chủ được hí luận. Không làm chủ được bệnh này thì không tự
tại. Không tự tại thì không giải thoát. Khi tự tại rồi chúng ta không còn sợ
luân hồi sanh tử. Khi đã làm chủ được thân tâm, làm chủ được sinh mệnh của
mình, thì tất cả những cái gọi là già - bệnh - chết - luân hồi - sanh tử - khổ
não… chỉ là trò đùa. Người tu Phật làm thế nào tập trung được năng lực để làm
chủ, nhất tâm đừng hí luận, để có được niềm vui tịch lạc. Có được niềm vui này
rồi thì xem như mình không bao giờ thoái chuyển trên đường tu hành. Phật nói
người dứt được hí luận, được nhất tâm thì có thể đạt được đạo giải thoát. Đây
là điều chắc chắn. Người đã có trí tuệ, có niềm vui với chánh pháp rồi thì tu
tập tăng tiến, không lầm chạy theo các duyên bên ngoài, thẳng tắt mộtđường,
người này đạt đến chỗ cứu kính không khó. Ngược lại, người buông xuôi bỏ mặc
cho ý nghĩ hành động lời nói buông lung, không làm chủ được thì con đường dẫn
đến tự tại giải thoát còn xa vời lắm. Ngày xưa các Thiền sư không
nói nhiều. Thường các Ngài ở trong núi hoặc những chỗ xa xôi, ai cần thì tìm
đến hỏi. Các Ngài thường trả lời bằng hành động, vì lời nói không đủ sức mạnh
để cho người nhận đúng vấn đề. Chỉ có những hành động, những biểu tượng may ra
giúp người hỏi nhận được yếu lý. Nói nhiều đôi lúc sẽ làm cho người ta trượt
dài trên ngôn ngữ, mất tác dụng.
Tôi kể câu
chuyện này để minh chứng điều đó. Một Thiền sư nọ có người cháu cũng là đệ tử
rất hiểu Phật pháp và có đạo đức. Nhân có việc, vị Thiền sư phải đi xa. Sau
thời gian khá lâu, Ngài trở về quê hương thì được tin đệ tử mê một người đẹp,
tiêu tan sự sản, bỏ hết đạo lý Phật pháp. Ngài vẫn bình thản, không nói một lời
nào về việc này. Hôm đó, Ngài ghé thăm cháu. Thấy nhà cửa ngổn ngang bừa bãi,
người cháu vẫn cứ ca hát ăn chơi suốt đêm. Sớm hôm sau, Ngài từ biệt cháu với
một lời đơn giản “Chú đi”. Sửa soạn giày xong, nhưng tay run Thiền sư không
buộc được giày, phải nhờ đến cháu. Đợi cháu buộc giày xong, Ngài nói: “Cháu thấy
không, chú đã già, tay run không còn cột giày được nữa. Trong cuộc đời này ai
rồi cũng vậy, cũng già và cũng chết”. Nói xong ông lặng lẽ ra đi.
Bài thuyết
pháp ngắn gọn nhưng đầy chân tình đã cảm hóa được người cháu quay về. Hai hôm
sau tất cả những cuộc vui được dẹp bỏ.
Chúng ta
thấy Ngài không hề sử dụng ngôn từ nhiều, cũng không hề nóng giận, không hề la
rầy. Sử dụng ngôn từ nhiều, có khi người ta hiểu sai ý mình, người xưa nói giáo
đa thành oán là vậy. La mắng nóng giận có khi đẩy người ta vào hố sâu tội lỗi,
đã không có lợi ích mà còn tai hại nữa. Cho nên Thiền sư giáo hóa bằng cách gợi
ý cho chúng ta tự thoát ra, trong nhà thiền gọi là nhổ đinh tháo chốt. Công
việc của Thiền sư chỉ có thế, nghĩa là mở cửa để đó, ai muốn thì ra, không thì
thôi.
Giờ tôi
nói đến phần giải thoát của người tu. Phần này có hai mặt, một là giải thoát
tương đối, hai là giải thoát tuyệt đối. Ở mặt giải thoát tương đối chúng ta vẫn
phải còn công phu. Nghĩa là phải có sự tu hành, ngăn ngừa các điều xấu, bỏ hí
luận, cố gắng phát huy trí tuệ, làm chủ được mình và luôn luôn đem đạo lý phổ
vào trong đời sống. Người biết tu thì trong hoàn cảnh nào cũng tu được. Hoàn
cảnh càng khó khăn, càng bất như ý chừng nào, mình tu được thì càng mau thành
công chừng nấy. Như đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài tinh tấn được trong hoàn
cảnh khó khăn nên Ngài thành Phật trước ngài Di Lặc.
Chúng ta
thường hay than thời này tu khó lắm! Nhưng nếu theo lời Phật dạy thì rõ ràng
“khó” là những phương thuốc, những kinh nghiệm quí báu giúp mình tiến nhanh,
nếu mình biết tu và chịu tu. Còn cho là khó rồi bỏ qua, buông xuôi, sợ sệt thì
biết đến bao giờ mới tu được ? Người Phật tử chân chính phải quyết tâm, bình
tỉnh, gan dạ. Chúng ta là tác nhân của hoàn cảnh hiện tại này, chạy trốn sao
được. Tự thân, tự miệng, tự ý mình huân tập phát ra tạo thành. Vì vậy, chúng ta
phải gan dạ chấp nhận vàø tự giải quyết lấy.
Nhiều khi
chúng ta cũng biết nợ thì phải trả, nhưng con nợ đòi gắt, đòi không đúng lúc.
Nhè lúc mình thiếu lại đến đòi, thì có khi trả mà mình nổi cáu, nổi khùng lên
cự lại với họ. Giờ phải cố gắng nguyện với lòng, với Tam bảo, những gì mình đã
gây tạo thì xin sẵn sàng trả hết, vui vẻ hồn nhiên mà trả, để được nhẹ nhàng,
thảnh thơi. Có trả hết thì mới thanh tịnh, giải thoát. Chớ còn giữ lại, còn
vướng mắc tăm tối với người thì còn vướng nợ. Mà còn vướng nợ thì làm sao buông
tay thanh thản được.
Thứ hai,
nói về giải thoát tuyệt đối. Đây là phần công phu đã hoàn bị. Qua quá trình tu
hành, trí tuệ chúng ta phát triển tròn đầy. Lúc này
nói tu nhưng thật ra chúng ta sống bình thường. Ngài Lâm Tế bảo, tùy thời mặc
áo ăn cơm, việc đến không chấp nhận, không sợ sệt lầm mê bởi bất cứ cảnh gì,
sống hoàn toàn với chính mình. Đó là giai đoạn tối hậu của người tu. Một khi có
đầy đủ đạo lực, tâm trong sáng rồi thì ta sẽ đạt được chỗ này. Nói đạt là một
cách nói, trong nhà thiền tối kỵ nói đạt nói chứng. Song thật tình không phải
là không có. Có nhưng vượt ngoài ngôn thuyết hình tướng nên không thể dùng lời
lẽ diễn đạt được. Một khi công phu, đạo lực đầy đủ thì tự nhiên ta thầm nhận
thôi.
Muốn đạt
được giải thoát tuyệt đối, chúng ta không thể ngồi đó mong cầu, mà phải phát
huy việc tu hành ở phần giải thoát tương đối. Mau hay chậm, được hay không là
do nơi sự phấn đấu của chúng ta. Người xưa nói cây mọc trên gò sỏi, hoặc ở nơi
khô cằn mới có giá trị, mới là loại gỗ quí. Vì vậy chúng ta đừng sợ hoàn cảnh
khó khăn. Chính hoàn cảnh khó khăn là thước đo việc tu hành của mình. Một khi
đã có quyết tâm thì hoàn cảnh nào, khó khăn nào mình cũng chuyển được. Không
chuyển được liền thì từ từ rồi cũng chuyển được. Đây là chỗ lý thú trong kinh
nghiệm tu hành. Người quyết tâm ở lãnh vực nào thì sẽ thành công trong lãnh vực
đó. Có vậy chúng sanh mới chuyển phàm thành thánh, chuyển giải thoát tương đối
thành giải thoát tuyệt đối.
Mạng người
không có gì bảo đảm già chết gần kề, chúng ta phải lo sắp đặt việc tu hành của
mình cho ổn định. Cố gắng khắc tỉnh, tu ngay từ gốc. Tụng kinh không thể ngộ
đạo, ngồi thiền suông cũng chưa chắc được gì. Chính yếu là phải phát huy được
cái gốc bên trong. Đó là tâm. Ngày mai chẳng có gì bảo đảm, thời khắc qua rồi
chẳng lấy lại được. Phải nhìn thẳng vấn đề, nhìn cho thủng cái thân giả dối
này, sinh ra lớn lên rồi già chết, chỉ vậy thôi. Có gì để chạy theo, để vướng
mắc ? Đã chạy theo, đã vướng mắc rồi thì sinh sợ hãi. Mất thân này chụp thân
khác, trầm luân trong sanh tử không biết đến bao giờ. Nếu tỉnh ngộ được lẽ này,
buông bỏ những thứ không thật, chuyên tâm thiền định để phát sinh trí tuệ, sống
trở lại được với tâm chân thật chẳng sanh diệt, thì còn gì an vui bằng.
Điểm cuối
cùng tôi muốn nhắc đến là bạn hữu. Trong việc tu hành ngoài tự thân chúng ta
ra, còn có kinh điển, thầy tổ và bạn hữu hỗ trợ thêm. Bạn hữu là những người
mình có thể gần gũi tương trợ khi gặp khó khăn. Bởi khi tu, có lúc mình cũng
nản lòng, xoay chuyển, bạn hữu là người rất cần trong những lúc này. Nếu chúng
ta gần gũi được những người bạn có năng lực, mạnh mẽ, trí tuệ thì khi mình lui
sụt, họ sẽ nhắc nhở để mình tiến lên.
Ngược lại,
trong số bạn hữu của mình, người nào yếu đuối thì chúng ta cũng thương yêu
trong sáng suốt, tìm phương tiện nâng đỡ nhắc nhở họ cùng tiến. Nhà thiền có
câu chuyện này. Trong pháp hội của một Thiền sư nọ, chẳng may có một đệ tử bị
bệnh tham, gặp cái gì anh cũng lượm bỏ túi. Chuyện được phát giác và trình lên
Sư phụ. Nhưng dường như ông thầy không quan tâm. Trong chúng rất bực mình và
quyết tâm làm dữ. Họ đồng lòng với nhau nếu thầy không đuổi vị này đi thì pháp
hội sẽ giải tán. Thiền sư nghe rồi liền họp tăng chúng lại nói: “Thôi thì các
vị đã vững vàng, ai nấy đều đã trưởng thành, có khả năng làm được mọi việc. Quí
vị có thể đi đây đi đó được. Còn người đệ tử này bệnh hoạn dẫy đầy, cần phải
được chăm sóc nhiều lắm, nếu thầy không cứu nó thì ai cứu nó ?”. Nghe đến đó,
mọi người không dám nói gì nữa và vị đệ tử tham lam kia tự động bỏ cái tật xấu
xa của mình.
Chúng ta
cũng nên học gương này. Đã có duyên gặp được Phật pháp, có duyên trong cùng
pháp hội thì chúng ta phải thông cảm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong những
lúc cần thiết. Giúp huynh đệ tu được cũng có nghĩa là tự giúp mình thăng tiến.
Xin chúc
tất cả quí vị thành công.
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ
|
7. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
Tôi nghe như
vầy.
Một thời
Đức Phật du hóa tại nước Bà-kì-sấu[02], ở rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc
dã[03].
Bấy giờ Tôn
giả A-na-luật-đà ở tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử[04]. Tôn giả A-na-luật-đà ở chỗ yên tĩnh,
tĩnh tọa tư duy, tâm nghĩ rằng: “Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu
dục. Đạo chứng đắc từ tri túc, chứ
không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly, chứ không phải từ sự
ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự hội hợp tụ hội. Đạo
chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác. Đạo chứng đắc từ
chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định ý, chứ không phải
từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu si”.
Lúc ấy, Đức
Thế Tôn bằng tha tâm trí biết Tôn giả A-na-luật-đà đang niệm gì, đang tư gì,
đang hành gì. Sau khi đã biết, Đức Thế Tôn nhập định có hình thái như thế[05]. Với định có hình thái như thế, trong khoảnh
khắc như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng thế, Đức Thế Tôn từ Bà-kì-sấu, từ
rừng Bố trong núi Ngạc, trong vườn Lộc dã, bỗng biến mất, liền xuất hiện trước
mặt Tôn giả A-na-luật-đà tại Chi-đề-sấu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn xuất định, tán
thán Tôn giả A-na-luật-đà rằng:
“Lành thay!
Lành thay! A-na-luật-đà, ngươi ở chỗ yên tĩnh, ngồi tĩnh tọa tư duy, tâm đã
nghĩ thế này: ‘Đạo chứng đắc từ vô dục, chứ chẳng phải từ hữu dục. Đạo chứng
đắc từ tri túc, chứ không phải là không nhàm chán. Đạo chứng đắc từ viễn ly,
chứ không phải từ sự ưa tụ hội, không phải từ sự sống tụ hội, không phải từ sự
hội hợp tụ hội. Đạo chứng đắc từ sự tinh cần, chứ không phải từ sự biếng nhác.
Đạo chứng đắc từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm. Đạo chứng đắc từ định
ý, chứ không phải từ loạn ý. Đạo chứng đắc từ trí tuệ, chứ không phải từ ngu
si’.
“Này
A-na-luật-đà, ngươi hãy nghe Như Lai, lãnh thọ thêm suy niệm thứ tám của bậc
Đại nhân[06]. Sau khi lãnh thọ liền tư duy rằng: ‘Đạo
chứng đắc từ chỗ không hý luận[07], ưa sự không hý luận, hành sự không hý
luận, chứ không phải từ chỗ hý luận, không phải từ chỗ ưa hý luận, không phải
từ chỗ hành hý luận’.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, chắc chắn
ngươi có thể ly dục, ly ác, ly bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền,
thành tựu an trụ.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này, lại chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này, sống an lạc ngay trong hiện tại, dễ được chứ không
khó, thì cũng như vua và đại thần có hòm đẹp đựng đầy các loại y phục đẹp, buổi
sáng muốn mặc liền lấy mặc; buổi trưa, buổi chiều, muốn mặc liền lấy mặc, tùy ý
tự tại, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, được y phấn tảo, làm y phục bậc nhất,
tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại chứng đắc
bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại, dễ được không
khó, thì cũng như vua và vương thần có cai bếp làm các thức ăn ngon lành mỹ
diệu, này A-na-luật-đà, ngươi cũng vậy, thường sống bằng món ăn khất thực làm
món ăn độc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ
được chứ không khó, thì cũng như vua và vương thần có nhà cửa đẹp, hoặc có lầu
các, cung điện, này A-na-luật-đà, ngươi cũng như thế, ngồi dưới gốc cây, lấy sự
tịch tĩnh làm ngôi nhà bậc nhất, tâm ngươi vô dục, sống với trụ chỉ hành này.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ
được chứ không khó, thì cũng như vua và vương thần có giường đẹp, trải lên bằng
chăn nệm, đệm bông, phủ lên bằng gấm, the, lụa, sa trun, có chăn đệm ở hai đầu
để gối, trải thảm quý bằng da sơn dương[08]; này A-na-luật-đà, ngươi cũng như vậy,
chỗ ngồi trải bằng cỏ, bằng lá cây, là chỗ ngồi bậc nhất. Tâm ngươi vô dục,
sống với trụ chỉ hành này.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ
được chứ không khó, thì cũng như thế, nếu ngươi an trú phương Đông, chắc chắn
được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ. Nếu an trú phương Tây, phương Nam,
phương Bắc, chắc chắn được an lạc, không có các tai hoạn đau khổ.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ
được chứ không khó, đối với các pháp thiện, ngươi đã an trú, Ta không nói đến,
huống nữa là nói đến sự suy thoái. Các thiện pháp cứ ngày đêm tăng trưởng chứ
không suy thoái.
“Này
A-na-luật-đà, nếu ngươi thành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân, lại cũng chứng
đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại này, dễ
được chứ không khó, thì đối với hai quả, chắc chắn ngươi đắc được một, hoặc
trong đời này đắc cứu cánh trí, hoặc nếu còn hữu dư thì đắc A-na-hàm.
“Này
A-na-luật-đà, ngươi hãy thành tựu tám suy niệm này của bậc Đại nhân, và cũng
nên chứng đắc bốn tăng thượng tâm này nữa, sống an lạc ngay trong đời hiện tại
này, dễ được chứ không khó; sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng
Thủy chử vậy”.
Bấy giờ Đức
Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả A-na-luật-đà, khuyến phát khát ngưỡng, thành
tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện, thuyết pháp, khuyến phát khát
ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Đức Thế Tôn liền như vậy mà nhập định, trong khoảnh
khắc, như người lực sĩ co duỗi cánh tay, cũng vậy, Đức Thế Tôn từ Chi-đề-sấu,
trong rừng Thủy chử, bỗng nhiên biến mất, không thấy, rồi hiện ra ở Bà-kì-sấu,
núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã.
Lúc ấy Tôn
giả A-nan cầm quạt đứng hầu Đức Phật, Đức Phật liền xuất định, quay lại bảo
A-nan rằng:
“Này A-nan,
nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã thì bảo tất cả tụ
tập tại giảng đường. Sau khi tụ tập tại giảng đường xong, trở lại cho Ta hay”.
Tôn giả
A-nan vâng lời Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, liền đi tuyên bố rằng:
“Đức Thế Tôn dạy: nếu có Tỳ-kheo nào đến núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã
thì tất cả hãy tụ tập tại giảng đường”.
Sau khi các
Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường, Tôn giả A-nan trở lại chỗ Đức Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên, bạch rằng:
“Bạch Đức
Thế Tôn, các Tỳ-kheo đến núi Ngạc rừng Bố, trong vườn Lộc dã, tất cả đã tụ tập
tại giảng đường. Mong Đức Thế Tôn biết cho, nay đã đến thời”.
Lúc ấy, Đức
Thế Tôn đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo và nói:
“Này chư
Tỳ-kheo, Ta nói cho các ngươi nghe về tám suy niệm của bậc Đại nhân. Các ngươi
hãy lắng nghe và khéo suy tư, ghi nhớ.
Bấy giờ các
Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn nói rằng:
“Đây là tám
pháp suy niệm của bậc Đại nhân:
1.
Đạo từ vô dục chứ không phải từ hữu dục mà chứng đắc.
2.
Đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc.
3.
Đạo từ viễn ly chứ không phải từ chỗ ưa tụ hội, không phải từ sự sống chỗ tụ
hội, không phải từ sự sống hội hợp tụ hội mà chứng đắc.
4.
Đạo từ tinh cần chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.
5.
Đạo từ chánh niệm, chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.
6.
Đạo từ chỗ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.
7.
Đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc.
8.
Đạo từ chỗ không hý luận, ưa sự không hý luận, hành sự không hý luận; chứ không
phải từ hý luận, không phải từ sự ưa hý luận, không phải từ sự hành hý luận, mà
chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ vô dục mà chứng đắc, chứ không phải từ hữu dục? Tỳ-kheo đạt được vô dục,
tự biết đạt được vô dục, không tỏ cho kẻ khác biết mình vô dục; đạt được tri
túc, đạt được viễn ly, đạt được tinh cần, đạt được chánh niệm, đạt được định ý,
đạt được trí tuệ, đạt được không hý luận, tự biết đạt được không hý luận, không
muốn tỏ cho người khác biết mình vô dục. Như vậy gọi là đạo từ vô dục chứ không
phải từ hữu dục mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ tri túc chứ không phải từ không nhàm tởm mà chứng đắc? Tỳ-kheo hành tri
túc, áo dùng để che thân, ăn đủ nuôi thân. Đó là đạo từ tri túc chứ không phải
từ không nhàm tởm mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ viễn ly chứ không phải từ ưa tụ hội, sống chỗ tụ hội, hội họâp nơi tụ
hội mà chứng đắc? Tỳ-kheo thực hành hạnh viễn ly, thực hành hai hạnh viễn ly là
thân và tâm đều viễn ly. Đó là đạo từ viễn ly chứ không phải từ sự ưa tụ hội,
sống ở chỗ tụ hội, hội họp nơi tụ hội mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ tinh tấn chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc? Tỳ-kheo thường hành
tinh tấn, đoạn ác bất thiện, tu các thiện pháp, thường tự khởi ý, chuyên nhất
kiên cố, vì các gốc rễ thiện mà không hề từ bỏ khó nhọc. Đó gọi là đạo từ tinh
tấn, chứ không phải từ biếng nhác mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ chánh niệm chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc? Tỳ-kheo quán nội thân
như thân, quán nội thọ, nội tâm, nội pháp như pháp. Đó gọi là đạo từ chánh niệm
chứ không phải từ tà niệm mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác
bất thiện, cho đến chứng đắc đệ Tứ thiền, thành tựu và an trụ. Đó gọi là đạo từ
định ý chứ không phải từ loạn ý mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ trí tuệ chứ không phải từ ngu si mà chứng đắc? Tỳ-kheo tu hạnh trí tuệ,
quán pháp hưng suy, chứng đắc trí như thật, thánh tuệ minh đạt, phân biệt rõ
ràng để dứt sạch khổ một cách chính đáng. Đó gọi là đạo từ trí tuệ chứ không
phải từ ngu si mà chứng đắc.
“Thế nào là
đạo từ không hý luận, ưa không hý luận, hành không hý luận; chứ không phải từ
hý luận, không phải từ ưa hý luận, không phải từ hành hý luận mà chứng đắc?
Tỳ-kheo tâm ý thường diệt hý luận, an lạc, trú trong Vô dư Niết-bàn, tâm thường
lạc trú, hoan hỷ, ý giải. Đó gọi là đạo từ không hý luận, ưa không hý luận,
hành không hý luận; chứ không phải từ hý luận, không phải từ ưa hý luận, không
phải từ hành hý luận mà chứng đắc.
“Này các
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo A-na-luật-đà đã tành tựu tám suy niệm của bậc Đại nhân này,
sau đó mới an cư mùa mưa tại Chi-đề-sấu, trong rừng Thủy chử. Ta đem những điều
này nói ra, vị ấy sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành
tinh cần. Vị ấy khi sống cô độc tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành
tinh cần, đã đạt đến cứu cánh mà một thiện nam tử vì cứu cánh ấy đã cạo bỏ râu
tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học
đạo, duy chỉ cầu đắc vô thượng phạm hạnh ngay trong đời này, tự tri, tự giác,
tự thân chứng đắc, thành tựu và an trú, biết một cách như thật rằng ‘Sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.”
Ngay lúc
ấy, Tôn giả A-na-luật-đà chứng đắc A-la-hán, tâm chánh giải thoát, xứng đáng
bậc Trưởng lão Thượng tôn, rồi nói bài tụng:
Vô thượng thế gian sư
Xa biết con tư niệm,
Chánh thân tâm nhập định
Nương không, chợt đến đây.
Biết con tâm niệm này,
Thuyết pháp vượt lên nữa.
Chư Phật không
hý luận;
Hý luận đã xa lìa.
Đã biết pháp Như Lai,
Ưa trú trong chánh pháp.
Rồi tam muội chứng ngay,
Pháp Phật đã thành đạt.
Con chẳng ưa sự chết,
Cũng không nguyện nơi sanh;
Tùy thời, tùy sở thích,
Niệm, chánh trí vững vàng.
Tỳ-da-ly, trú lâm,
Nơi đó mạng con dứt;
Ở ngay dưới khóm trúc,
Nhập Vô dư Niết-bàn.
Phật thuyết
như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ
phụng hành.
-ooOoo-
Chú thích:
[01] Tương đương
Pāli: A.8.30. Anurudha. Hán, biệt dịch No.46, No.125 (43.6).
[02] Bà-kì-sấu 婆 奇 瘦. Pāli: Bhaggesu, giữa
những người Bhagga.
[03] Ngạc sơn Bố
lâm Lộc dã viên 鱷 山 怖 林 鹿 野 園. Pāli: Suṃsumāragire bhesakāḷāvane
migadāye, trong núi Cá sấu, rừng Khủng bố, chỗ nuôi hươu.
[04] Chi-đề-sấu
Thủy chử lâm 枝 提 瘦 水 渚 林. Pāli: Cetīsu Pācīnavaṃsadāye, giữa những người Cetī,
trong rừng Đông trúc. No.125 (42.6): Tôn giả ở tại Tứ Phật sở cư chi xứ. No.46:
Phật ở tại Mục sơn, dưới gốc cây Cầu sư.
[05] Như kỳ tượng định 如 其 像 定. Pāli: tathārūpaṃ
samādhi.
[06] Đại nhân chi niệm 大 人 之 念. Pāli:
mahāpurisavitakka.
[07] Hán: đạo
tùng bất hý... đắc. Pāli: nippapañcārāmassāyaṃ dhammo, đây là pháp của người
không ưa hý luận.
[08] Trong bản
Hán: gia-lăng-già-ba-hòa-la ba-giá-tất-đa-la-na. Pāli: kadalimigapavara-
paccattharaṇo.
Kinh Tăng Chi Bộ
Anguttara Nikàya
Hòa Thượng Thích Minh
Châu dịch
CHƯƠNG BỐN
BỐN PHÁP
VIII. PHẨM KHÔNG HÝ LUẬN
(I) (71) KHÔNG CÓ HÝ LUẬN
- Thành tựu với
bốn pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có những
căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn ?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có giới, nghe nhiều, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ.
Thành tựu với bốn
pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt, và có những
căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
(II) (72) CHÁNH KIẾN
- Thành tựu bốn
pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có
những căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn ?
Tầm viễn ly, tầm không sân, tầm không hại,
chánh tri kiến.
Thành tựu với bốn
pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường thông suốt và có những
căn bản thẳng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc.
(III) (73) BẬC CHÂN NHÂN
1. - Thành tựu với
bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc Chân nhân. Thế nào
là bốn ?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, không phải bậc Chân nhân là người dầu không được hỏi, nói lên lời
không tán thán người khác ; còn nói gì nếu được hỏi !
Nhưng nếu được hỏi
và phải trả lời, thời không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời không
tán thán người khác, đầy đủ toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cẩn phải được hiểu, này
các Tỷ-kheo, vị này không phải Chân nhân.
2. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, không phải Chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời tán
thán người khác ; còn nói gì nếu không được hỏi !
Nhưng nếu được hỏi
và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán người
khác, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, này các
Tỷ-kheo, vị này không phải Chân nhân.
3. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, không phải Chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời
không tán thán về mình ; còn nói gì nếu không được hỏi !
Nhưng nếu được hỏi
và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời không tán thán
về mình, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, vị
này không phải Chân nhân.
4. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, không phải là Chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên
lời tán thán về mình ; còn nói gì nếu được hỏi !
Nhưng nếu được hỏi
và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán về
mình, đầy đủ và toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu vị này không phải
Chân nhân.
Thành tựu với bốn
pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc Chân nhân.
5. Thành tựu với
bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc Chân nhân. Thế nào là bốn
?
Ở đây, này các
Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là người dầu có được hỏi, không nói lên lời không tán
thán người khác ; còn nói gì nếu không được hỏi !
Nhưng nếu được
hỏi, và phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy nói lên lời không tán thán
người khác. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân nhân.
6. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên lời tán
thán người khác ; còn nói gì nếu được hỏi.
Nếu được hỏi và
phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lời tán thán người
khác, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc
Chân nhân.
7. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân là Người, nếu không được hỏi, vẫn nói lên lời không
tán thán về mình ; còn nói gì nếu được hỏi !
Nếu được hỏi và
phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lên lời không tán thán
về mình, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc
Chân nhân.
8. Lại nữa, này
các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân dầu có được hỏi cũng không nói lên lời tán thán về
mình ; còn nói gì nếu không được hỏi !
Nếu được hỏi và
phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy nói lên lời tán thán về mình, không
đầy đủ ; không toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc Chân
nhân.
Thành tựu với bốn
pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc Chân nhân.